Sâm Hoa Kỳ, khắc tinh của bệnh trầm uất

Theo cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bệnh trầm uất là mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng ở châu Âu trong thập niên đầu của thế kỷ 21.Thống kê cho thấy 1/5 cư dân bên đó đang là nạn nhân của tình trạng suy nhược thần kinh, từ nhẹ như mất ngủ kinh niên bước qua trầm uất hẳn hoi đến độ phân liệt cá tính! Đáng nói là 60% số nạn nhân lại thuộc giới trẻ với đa số đang có công ăn việc làm, nghĩa là không thiếu phương tiện để chăm lo sức khỏe! Chỉ nói riêng ở Đức, nơi có dân số tròm trèm xứ mình, không dưới 3 triệu người đang tiêu thụ thuốc ngủ nào đó hằng đêm để mong ngủ vùi và tạm quên nỗi buồn. Giải pháp tạm bợ bằng thuốc an thần lại là nẻo cụt cuối đường vì người dùng thuốc ngủ không thể tránh hậu quả của thuốc do:

  • Sớm muộn cũng lệ thuộc thuốc nếu không được điều trị theo nguyên nhân mà chỉ dùng thuốc theo kiểu ngủ được đêm nào hay đêm nấy!
  • Bao giờ cũng phải tăng dần liều lượng, nghĩa là nhiều hơn, hoặc thậm chí đổi thuốc khác mạnh hơn, nghĩa là độc hơn!
  • Thuốc an thần nào thuộc loại hóa chất tổng hợp cũng có phản ứng phụ bất lợi. Rất thường khi người bệnh cuối cùng mất ngủ trầm trọng không vì nguyên nhân ban đầu mà do độc tính tích lũy của thuốc!

Đó là chưa kể đến phản ứng phụ nghiêm trọng của thuốc an thần. Bằng chứng là thầy thuốc hiện nay không còn nghi ngờ về mối liên hệ giữa thuốc ngủ và tai biến mạch máu não!, cho dù nạn nhân không hề cao huyết áp hay tăng mỡ máu!

Đáng tiếc vì nhiều trường hợp trầm uất có thể được điều trị khả quan hơn nhiều nếu thầy thuốc đừng quên kinh nghiệm của y học cổ truyền với Nhân Sâm. Nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng chống trầm uất của Nhân Sâm thông qua cơ chế hưng phấn tiến trình tổng hợp Serotonin, chất nội sinh tạo giấc ngủ yên bình và Endorphin, nội tiết tố gây lạc quan yêu đời, cho thấy.

  • Chất lượng của giấc ngủ được cải thiện rõ ràng về số giờ ngủ cũng như độ sâu. Quan trọng hơn nữa là cảm giác khoan khoái khi thức dậy.
  • Tình trạng đau đầu, đãng trí, biếng ăn, bi quan, lo sợ vô cớ … giảm dần một cách đồng bộ trong suốt liệu trình.
  • Tâm trạng buồn phiền lui bước thấy rõ sau quá trình điều trị kéo dài trung bình 4-8 tuần, qua đó bệnh nhân đồng thời có thể cai thuốc ngủ mà không vật vã vì thiếu thuốc.

Nếu tưởng trầm uất chỉ là chuyện nhiêu khê ở xứ người thì lầm. Ai chưa tin xin thử xem có bao nhiêu gia đình hiện nay không có thành viên nào đó đang suy nhược thần kinh? Trầm uất khó lòng tự tung tự tác nếu có cách nào tối ưu hóa tiến trình chuyển hóa dưỡng khí cho tế bào não bộ đồng thời ổn định dẫn truyền thần kinh bằng hoạt chất sinh học. Không thiếu giải pháp nếu thầy thuốc và bệnh nhân đồng lòng kiên nhẫn vận dụng kinh nghiệm ngàn đời của Đông Y để mượn sức kháng bệnh từ thiên nhiên. Nhân Sâm là dẫn chứng điển hình.

                                                                                                                                          Bác sĩ: Lương Lễ Hoàng