Hội thảo: Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh

Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo Giải pháp phát triển sâm Ngọc linh được diễn ra sau 7 ngày khi sâm Ngọc Linh được công bố là sản phẩm quốc gia.

Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh

Một tin vui được công bố tại hội thảo là các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống tập trung bằng kỹ thuật, chất lượng cao. Quy trình nhân giống tập trung đạt công suất hai đến ba triệu cây giống/năm. Cây giống được lưu giữ trong vườn ươm từ hai đến ba năm trước khi đem trồng để tránh sâu bệnh, côn trùng cắn phá và nạn mất trộm. Người trồng chỉ cần đầu tư chăm sóc thêm ba năm tiếp theo là có thể thu hoạch.

Tuy vậy, để ứng dụng kết quả nghiên cứu này, các địa phương chưa đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thể sản xuất giống; thu mua các cây giống rải rác trong dân, hình thành vườn giống gốc để thu hạt, nhân giống cung cấp cho toàn vùng núi Ngọc Linh. Trong khi đó, đang có tình trạng sâm nước ngoài xâm nhập vào vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh, đe dọa giống sâm Ngọc Linh bị lai tạp; sâm giả Ngọc Linh bị làm giả tinh vi, mắt thường khó phân biệt đã xuất hiện trên thị trường khiến thương hiệu sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng.

Muốn có sản phẩm sâm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu sâm với sản lượng 300 đến 400 tấn khô/năm. Theo các nhà khoa học, mô hình trồng sâm bán tự nhiên dưới tán rừng như hiện nay chỉ phù hợp với người dân bản địa về quy mô, năng suất và mục đích bảo vệ rừng. Còn để sản xuất với quy mô lớn cần tới doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng sâm dưới dàn mái che tại các diện tích rừng nghèo, nương rẫy. Hình thức này sẽ khắc phục được những hạn chế, rủi ro do thời tiết, côn trùng… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm việc sử dụng đất rừng gây ảnh hưởng môi trường rừng, đất rừng. Hiện nay, sản phẩm sau thu hoạch sâm Ngọc Linh chủ yếu là để ngâm rượu, việc ứng dụng khoa học – công nghệ để chế biến, bào chế các sản phẩm từ sâm thành thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chưa có đề án, đơn vị thực hiện cụ thể.

Mặc dù các nhà khoa học đã nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình sản xuất sâm giống, nhưng trên thực tế hai địa phương Quảng Nam, Kon Tum vẫn thiếu giống trầm trọng, đất quy hoạch xong vẫn phải để chờ cây giống; thiếu nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ ở tất cả các khâu từ làm giống, trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến; sản phẩm bán ra thị trường chưa phong phú, chủ yếu là củ sâm tươi. Việc đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm thì manh mún, xã nào biết xã đó, tỉnh nào biết tỉnh đó, bộ nào biết bộ đó khiến giá sâm Ngọc Linh cao, nhiều người dân chưa được sử dụng một trong những loại sâm tốt bậc nhất thế giới này để chăm sóc sức khỏe.