Về các loại sâm, có thể nói, người Việt mới bắt đầu tìm hiểu từ vài chục năm nay. Núi non Việt Nam rất nhiều loại sâm quý, nhưng sự hiểu biết về sâm quả thực rất kém. Nhiều thứ sâm vẫn đang ùn ùn đổ sáng Tàu, nhưng người Việt vẫn chẳng biết nó là củ quả gì.
Vì không có sự hiểu biết rõ về sâm, nên mới có chuyện, loài sâm nào cũng gọi là sâm Nam. Cái tên sâm Nam là do người phương Bắc gọi, chỉ loài sâm mọc ở phía Nam, trong đó có Việt Nam, nó đã trở thành tên chung để gọi hàng chục loại sâm.
Đào sâm bán như… khoai
Sâm Ngọc Linh mới được phát hiện vào năm 1972 bởi dược sĩ Đào Kim Long. Đây là sự kiện quan trọng, để khẳng định Việt Nam có… sâm.
Trước đó hàng trăm năm, các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ,… đều đã công bố có sâm quý, nhưng riêng Việt Nam thì chưa, nên việc phát hiện ra sâm, đã đưa Việt Nam vào bản đồ sâm của thế giới.
Tuy nhiên, có một sự thực, là loài sâm ấy, người Trung Quốc đã dùng từ lâu, đã âm thầm thu mua, đào bới ở Việt Nam từ nhiều năm nay rồi. Chúng chính là sâm tiết trúc, hoặc còn gọi là sâm đốt trúc, vì củ có nhiều đốt. Chúng mọc ở những dãy núi cao chót vót, khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, khi chúng mọc ở đỉnh Ngọc Linh, ngọn núi thiêng, nóc nhà của dãy Trường Sơn, thì chúng có giá trị dinh dưỡng đặc biệt, với hàm lượng saponin rất cao. Chúng trở thành loài sâm tốt nhất thế giới, đắt nhất thế giới.
“Người rừng ung thư” Trần Ngọc Lâm, sống trong hang đá gần đỉnh Fansipan, là người hiểu khá rõ về loài sâm này và chứng kiến cảnh các con buôn Trung Quốc sang Việt Nam săn lùng, thu mua ráo riết. Ông Lâm là người từng đào được củ sâm 800 tuổi, có thể nói là có một không hai.
Gần 20 năm trước, khi ông Lâm lên đỉnh Fansipan chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, ông tìm thấy rất nhiều sâm tiết trúc. Chúng mọc đầy trên vách đá, hốc đá. Nhưng rồi, ông chưa kịp mừng vì phát hiện “kho báu vật sâm” trong đại ngàn Hoàng Liên, thì một ngày, vào khoảng năm 1999, ông bỗng thấy đồng bào Mông với gùi, cuốc, thuổng ầm ầm lên núi đào bới. Ông Lâm hỏi họ kéo vào rừng đào bới gì, họ bảo đi kiếm “khoai lang núi”.
Ông Lâm ngã ngửa khi thấy ai nấy cõng ật ưỡng gùi tiết trúc nhân sâm. Lúc này, ông Lâm mới biết, người Trung Quốc mang củ tiết trúc nhân sâm có thân ngoằn ngoèo như con rắn, mỗi thân có nhiều đốt sang Lào Cai, đến tận các bản người Mông và nói rằng muốn thu mua thật nhiều… “khoai lang núi”. Họ bảo với đồng bào rằng cần thu mua những củ “khoai lang núi” này để… ăn chống đói.
Thế là, đồng bào vào rừng Hoàng Liên Sơn, đào bới không biết bao nhiêu “khoai lang núi”, hết tấn nọ đến tấn kia, bán cho người ta. Lúc đầu, giá mỗi kg “khoai lang núi” chỉ có mấy ngàn đồng, sau tăng lên vài chục ngàn, rồi tăng lên vài trăm ngàn đồng. Khi người Trung Quốc nâng giá “khoai lang núi” lên vài triệu một kg, thì có xới tung cả cánh rừng cũng chả tìm ra củ nào nữa.
Nhìn cảnh ấy, ông Lâm lòng đau như cắt. Gặp ai ông cũng bảo đây là loài sâm cực quý, chứ không phải “khoai lang núi”, nhưng không ai tin. Đồng bào Mông còn cãi rằng, củ này tổ tiên họ gọi là “thằn lằn núi”, vì thân nó giống con thằn lằn, lại mọc trên núi đá. Đồng bào Mông cũng thường đào củ “thằn lằn núi” nhai sống như khoai. Khi leo núi, thấy mệt, họ đào củ “thằn lằn núi”, ngậm miếng nhỏ trong miệng sẽ hết mệt. Giờ thì loài sâm quý ấy, cùng với hàng chục loại dược liệu quý cũng đã biến mất khỏi đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Tìm hiểu về sâm tiết trúc ở Hoàng Liên Sơn, thì lại giải mã được những điều kỳ quặc đang diễn ra quanh chân núi Ngọc Linh. Mới đây, tôi có chuyến vào vùng Nam Trà My (Quảng Nam) để tìm hiểu về sâm tiết trúc.
Thủ phủ của sâm Ngọc Linh là xã Trà Linh. Nơi đây, nhà nào cũng có vườn sâm, từ vài sào đến vài chục héc-ta. Tôi ngỏ ý muốn mua sâm trồng 5 năm tuổi, thì tất thảy đồng bào đều đòi giá 50 triệu đồng cho loại 20 củ/kg. Thế nhưng, sâm từ phía Kontum thì chỉ khoảng 30 triệu đồng/kg. Trong khi đó, sâm tiết trúc khai thác trên dãy Hoàng Liên Sơn ở Lào Cai và Lai Châu thì ầm ầm tăng giá. Các đầu nậu thu mua, hét giá từ 10 tới 30 triệu đồng/kg.
Những củ sâm tiết trúc mọc ở Hoàng Liên Sơn có hình thái, màu sắc càng giống sâm mọc ở Ngọc Linh thì có giá trị càng cao. Những củ sâm đẹp ấy, được tuồn vào núi Ngọc Linh và biến thành sâm Ngọc Linh thượng hạng. Sự giả mạo ấy còn không đáng lên án bằng việc giả mạo củ gáy, hoặc một số loại khác, bởi dù sao chúng cũng là sâm.
Sâm quý sang Tàu
Ngoài sâm Ngọc Linh, được đánh giá là sâm quý nhất thế giới, tốt nhất thế giới, thì ở Việt Nam còn đến cả trăm loại sâm. Tuy giá trị không bằng sâm Ngọc Linh, nhưng chúng cũng đang bị người Trung Quốc âm thầm thu mua. Nhiều loại sâm hiện đã bị thu mua cạn kiệt, nhưng người Việt vẫn không biết chúng là sâm gì, người Trung Quốc mua để làm gì.
Tôi cùng lương y Phạm Văn Thanh, đã có mấy ngày trời cuốc bộ, đi sâu vào dãy Hoàng Liên Sơn, đến một thung lũng rộng lớn, phía tỉnh Lai Châu, để đào một loài sâm quý, mà người Việt vẫn chưa biết đến nhiều.
Lương y Phạm Văn Thanh kể rằng, cách đây 20 năm, trong một lần sang Trung Quốc cùng đoàn bác sĩ, anh được các bác sĩ bên đó tiếp đãi thịnh tình. Nhà hàng sang trọng và món đặc biệt hôm đó là súp sâm. Cô tiếp viên nhà hàng giới thiệu kỹ lưỡng món ăn cho “vua chúa” trước khi mời thực khách thưởng thức.
Nghe cô ấy giới thiệu, mà ai cũng háo hức, bởi sắp được… làm vua. Xem hóa đơn, thì thấy bát súp bé như bát mắm đó có giá 50 USD. Dùng thìa vớt lên, thấy lát sâm rất quen mắt. Đưa vào miệng nhai, thì hóa ra đó là sâm Hoàng Liên, thứ sâm mà ông lang Phạm Văn Đĩnh, cha đẻ anh, vẫn dùng trong các bài thuốc tăng cường thể lực cho người bệnh. Thứ sâm ấy, mọc nhiều trong rừng Hoàng Liên Sơn, mà thời trẻ mỗi ngày vào rừng anh đào cả gùi đem về cho cha phơi khô, tẩm mật ong, rồi xao vàng, chế vào bài thuốc thập toàn đại bổ.
Về lại Lào Cai, để ý đến thứ sâm này, anh mới biết rằng, nhiều năm qua người Trung Quốc đã âm thầm thu mua, đến mức sắp tuyệt chủng. Họ thuê người Mông, người Dao khắp Lào Cai vào rừng đào bới, rồi những xe tải lớn, tải bé chuyển sang bên kia biên giới.
Củ sâm Hoàng Liên quý giá, bán sang Tàu với giá như khoai, sắn, đã khoác trên mình thương hiệu khác, là sâm tiến vua của Trung Quốc, dành cho khách sang trọng, với giá cắt cổ.
Với tình trạng khai thác như vậy, chẳng chóng thì trầy, sâm Hoàng Liên sẽ tuyệt chủng. Năm 1995, lương y Thanh cùng mấy người Dao đã vào sâu trong rừng, tìm một thung lũng bí mật, nơi chẳng ai tìm đến, và gieo trồng, nhân giống loài sâm này. Đất tơi xốp, mùn dày, những củ sâm lúc lỉu, to bằng cổ tay người lớn.
Hiện, loài sâm này đã rất hiếm, gần như tuyệt chủng, nhưng người Trung Quốc vẫn nhẩn nha thu mua, chứ không vội vàng tăng giá để gom bằng được. Họ đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Nếu tranh cướp mua bán, giá lên cao, người Việt sẽ quan tâm và tìm hiểu về chúng, thì họ sẽ không mua được với giá rẻ nữa. Sâm tiết trúc, cây si đỏ, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa… là những ví dụ điển hình.