Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Dù là ở các nước đã phát triển như Mỹ hay các nước châu Âu. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có ~170.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, nguyên nhân gây ra 31% tổng số ca tử vong (số liệu năm 2016). Theo thống kê của Viện Tim Mạch năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 18 – 65 chiếm 25%. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng bệnh tim mạch cũng chính là bảo vệ cho bản thân. Cũng như giúp người thân trong gia đình bạn tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tim mạch là tác nhân gây ra tử vong còn lớn hơn cả ung thư
Bệnh tim mạch là tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim hay các bệnh liên quan đến mạch máu.
Bệnh tim mạch gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ Oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong.
Bệnh tim mạch có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, đòi hỏi sự điều trị và theo dõi cẩn thận (thậm chí là suốt đời), tốn kém nhiều chi phí.
Nguyên nhân
Bệnh tim mạch do nhiều tác nhân gây ra, đặc biệt các thói quen sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng rất lớn:
- Hút thuốc lá: Chất Nicotine và CO (Carbon monoxide) có trong thuốc lá. Chính là tác nhân gây ra co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch.
- Chế độ ăn: Nhiều muối, chất béo và dầu mỡ.
- Thừa cân, béo phì.
- Căng thẳng, lo âu kéo dài: Có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.
- Ít hoặc không hoạt động thể chất
- Ô nhiễm không khí: Không khí đầy bụi bân là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh. Phơi nhiễm lâu dài ~ 10 g/m3 PM 2.5, ước tính có 8-18% rủi ro tử vong do bệnh tim mạch.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi nguy cơ cao bị các bệnh lý tim mạch hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch.
- Nghề nghiệp: Làm việc trong môi trường không “sạch” cũng là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh.
- Đái tháo đường: Người mắc bệnh đái tháo đường được coi là có khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch tương đương người đã mắc bệnh mạch vành.
- Di truyền: Trong gia đình đã có người mắc bệnh tim.
Triệu chứng bệnh tim mạch thường gặp
Đau ngực
Khi bị đau ngực ta thường nghĩ đến các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên một số trường hợp người bệnh tim mạch chỉ thấy cảm giác mơ hồ chứ chưa hẳn nhận ra được. Mô tả về một cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim mạch thường gặp có một vài dấu hiệu sau:
- Cảm giác căng, ép chặt hay bóp nghẹt lồng ngực.
- Đau sau lưng, vùng cổ, hàm, vai và 1 hoặc cả 2 cánh tay.
- Cơn đau thoáng chốc trong vài phút, cảm giác nặng hơn khi gắng sức hay vận động cơ thể. Cơn đau hết sau đó quay trở lại với tần suất và cường độ có thể thay đổi.
- Khó thở.
- Đổ mồ hôi.
- Chóng mặt hay cảm giác yếu ớt hẳn.
- Nôn ói hoặc ói.
Ngoài ra, đau tức ngực còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên do bệnh tim mạch là phổ biến nhất cũng là nguy hiểm nhất. Nên được phải phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy bạn đừng bao giờ phớt lờ triệu chứng đau tức ở vùng ngực, cho dù chỉ là cơn đau thoáng qua.
Đánh trống ngực
Đánh trống ngực là tình trạng đập bất thường của tim. Cũng là triệu chứng khá phổ biến báo hiệu bệnh lý tim mạch. Hầu hết bệnh nhân mô tả về tình trạng đánh trống ngực giống như sự lệch nhịp của tim (gần như tim tạm dừng hoạt động, thường theo sau một nhịp đập đặc biệt mạnh) hoặc nhịp tim thay đổi nhanh, chậm bất thường.
Như vậy, rối loạn nhịp tim hay nhịp tim bất thường, chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đánh trống ngực của người bệnh. Có nhiều loại loạn nhịp tim mà bệnh nhân thường gặp phải. Và gần như tất cả chúng đều có xu hướng khiến cho trái tim đập nhanh hơn. Cái tên theo y khoa mà bệnh nhân có nhận thấy trong bệnh án của mình về chúng như: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ và nhịp tim nhanh trên thất. Trường hợp đánh trống ngực khi tim bất chợt đập rất nhanh (như rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất) thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Cảm thấy hoa mắt chóng mặt
Chóng mặt, choáng váng là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân trên 65 tuổi (khoảng 30% trường hợp).
Hoa mắt, choáng váng có thể do não không nhận đủ lượng máu, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sau:
- Xơ vữa động mạch.
- Thiếu máu.
- Thiếu nước/ mất nước.
- Tăng đường huyết.
- Rối loạn nhịp tim.
- Tụt huyết áp tư thế.
- Đột quỵ.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA).
Ngất xỉu và mất ý thức
Ngất xỉu là tình trạng bị mất ý thức và khả năng hoạt động tạm thời. Cũng là triệu chứng khá phổ biến đối với hầu hết mọi người. Chúng ta thường nhận xét rằng, ngất xỉu do tình trạng căng thẳng, hốt hoảng hoặc lo sợ bất chợt. Chỉ cần nghỉ ngơi, giữ bình tĩnh là hết. Tuy nhiên, đôi khi ngất xỉu lại lại là dấu hiệu của loại bệnh lý tim mạch nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
Là khi lượng máu đến não (hay oxy trong máu) bị giảm đột ngột, cơ thể phản ứng lại bằng cách “tắt bớt” hoạt động của một số cơ quan. Vì vậy, khi thấy một người đột ngột ngất lịm đi. Thì sau đó phải xác định ra nguyên nhân. Một số loại bệnh lý tim mạch có thể khiến bệnh nhân ngất xỉu như: ngất do nhịp tim chậm, hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm, hạ huyết áp tư thế, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch phổi,…
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây ra ngất. Thường được tập hợp thành các nhóm: nhóm thần kinh, nhóm chuyển hóa, nhóm vận mạch.
Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày
Mệt mỏi hay thường buồn ngủ vào ban ngày đó là một trong những dấu hiệu triệu chứng của bệnh tim mạch. Mệt mỏi có thể được coi là không thể tiếp tục hoạt động như ở mức của một người khỏe mạnh bình thường. Một trong những nguyên nhân về tim mạch gây ra hiện tượng này là suy tim.
Buồn ngủ vào ban ngày thường là do bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ vào ban đêm. Chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, hoặc đơn thuần do mất ngủ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các loại rối loạn giấc ngủ đều thường gặp ở các bệnh nhân tim mạch hơn.
Triệu chứng khó thở
Suy tim và bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây ra dấu hiệu khó thở. Người bệnh suy tim hay khó thở khi gắng sức, nặng hơn có thể khó thở cả khi nằm nghỉ. Vào ban đêm, đôi khi người bệnh đang ngủ đột nhiên thức dậy rồi thở hổn hển. Tình trạng này được gọi là “khó thở kịch phát về đêm”. Một số loại bệnh lý tim mạch khác như các bệnh liên quan đến van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý hô hấp, đều sẽ có thể gây ra khó thở.
Những bệnh tim thường gặp
1. Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành là tình trạng tích tụ những mảng xơ vữa hoặc Cholesterol lên thành động mạch khiến lòng động mạch hẹp lại, giảm khả năng lưu thông máu, hạn chế việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các cơ quan trên cơ thể. Mảng xơ vữa phát triển lớn dần theo thời gian làm cho tim suy yếu dần.
Triệu chứng của bệnh khá mơ hồ, chỉ có cảm giác nặng ngực, đau thắt ngực bên trái khi xúc động, làm việc quá sức. Một số trường hợp có thể kèm theo cao huyết áp, đau đầu, chóng mắt, khó thở.
Bệnh là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao nhất với người cao tuổi bởi có thể gây nhồi máu cơ tim, nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, rèn luyện thể thao mỗi ngày và tầm soát bệnh theo định kỳ.
2. Tai biến mạch máu não (đột quỵ)
Đột quỵ là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể.
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Vì lý do đó, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế và cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các thể bệnh tai biến mạch máu não: co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não, xuất huyết não gây tử vong.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não:
- Cao huyết áp: người bị cao huyết áp có nguy cơ tai biến mạch máu não gấp 3-4 lần. Việc tăng áp lực máu lên thành mạch gây giãn, tổn thương thành mạch. Khi đó, tiểu cầu, các sợi fibrin sẽ được chuyển tới để làm lành vết thương, tạo ra cục máu đông. Cục máu đông di chuyển đến gần não gây tắc nghẽn, nhồi máu não.
- Xơ vữa động mạch: Các mảng xơ vữa trong động mạch khiến các mạch máu bị thu hẹp, gây khó khăn cho quá trình lưu thông máu. Khi các mảng xơ vữa bong ra sẽ hình thành các cục máu đông.
Triệu chứng điển hình của bệnh là các cơn đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu, hôn mê. Cách phòng ngừa bệnh là phát hiện sớm và điều trị kịp thời cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
3. Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xảy ra khi mảng bám từ chất béo, cholesterol, canxi, mô sợi và các chất khác tích tụ trong các động mạch mang máu đến não, các cơ quan và các chi gây xơ vữa động mạch. Qua thời gian mảng bám cứng lại, làm hẹp các động mạch.
Viêm tắc động mạch ngoại vi gồm 2 thể:
- + Bệnh Buerger (viêm 3 lớp thành động mạch): xuất hiện ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), người nghiện thuốc lá nặng, bệnh kéo dài nhiều năm, 95% phải đoạn chi.
- + Viêm, tắc động mạch do xơ vữa động mạch: xảy ra ở người cao huyết áp, rối loạn chuyển mỡ máu.
Các triệu chứng nhận biết bệnh động mạch ngoại biên khá mơ hồ và không rõ ràng, thường chỉ xuất hiện các cơn đau nhói sau bắp chân khi đi bộ và có thể tự khỏi sau 5 – 10 phút. Một số triệu chứng khác có thể gặp là khó chịu, lạnh da, da xanh nhợt nhạt, lâu ngày xuất hiện những vết loét thường lâu lành, hoại tử chi.
4. Bệnh van tim hậu thấp
Bệnh van tim hậu thấp là một bệnh tự miễn, do vi trùng Strepcoccus beta Hemolytique gây ra. Khi nhiễm bệnh, cơ thể tạo ra các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, Strepcoccus beta Hemolytique có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim nên kháng thể cũng tấn công làm tổn thương mô khớp và van tim, gây sưng, hẹp hở van tim do biến dạng, suy tim.
Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, sau tình trạng viêm họng do liên cầu khuẩn mà không được điều trị kịp thời. Bệnh thường phát triển âm thầm với một số triệu chứng như: viêm đa khớp, viêm tim, nốt dưới da, hồng ban vòng, sốt, đau khớp…Điều trị bệnh khá phức tạp và tốn kém bằng cách sử dụng kháng sinh để loại bỏ liên cầu.
5. Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh thường xảy ra trong thời kỳ bào thai. Theo thống kê, có 1 – 2% em bé sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh như ống động mạch, hoán vị đại động mạch…Đây là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời.
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ xuất hiện từ khi được sinh ra. Biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh ở trẻ thường là hiện tượng khó thở, tím tái, suy dinh dưỡng nặng, viêm phổi . Một số trường hợp, trẻ không có biểu hiện gì do bệnh không nặng và chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.
Cách phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ chủ yếu là trước khi mang thai, cha mẹ cần có sức khỏe tốt. Trong quá trình mang thai, người mẹ không tiếp xúc với các hóa chất độc hại, X-quang, nhiễm siêu vi…khi sử dụng thuốc, cần có chỉ dẫn của bác sĩ.
6. Phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực)
Phình động mạch chủ bóc tách là tình trạng động mạch chủ cung cấp máu cho cơ thể bị yếu và phình ra ở một vị trí nào đó, dẫn đến bị rách. Vết rách thành động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là tăng huyết áp, bệnh lý động mạch chủ như xơ vữa động mạch, tuổi cao hoặc chấn thương có nguy cơ phát triển phình động mạch chủ ngực. Phình động mạch chủ bóc tách có nguy cơ tử vong cao, lên tới 95% dù ở giai đoạn đầu.
7. Suy tim
Suy tim là tình trạng bệnh lý do tim bị yếu đi và không thể hoàn thành được chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách bình thường được (một khối lượng công việc so với tim một người bình thường và hiệu suất bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể bị giảm). Bệnh nhân suy tim luôn phải đối mặt với những biến cố tim mạch.
Trái tim bị suy khi cơ tim yếu không đủ bơm máu
Mức độ suy tim của người bệnh được đánh giá dựa trên triệu chứng cơ năng và khả năng vận động gắng sức, chia làm 4 cấp độ:
- Suy tim cấp độ 1: Được xem là suy tim tiềm tàng. Người bệnh vẫn có thể vận động thể lực và sinh hoạt bình thường. Thường không có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi hay đau tức ngực. Rất khó để phát hiện suy tim ở giai đoạn tiềm tàng này.
- Suy tim cấp độ 2: Suy tim nhẹ. Khi nghỉ ngơi thì bệnh nhân không cảm thấy triệu chứng gì nhưng khi vận động gắng sức thì nhận thấy khó thở, mệt mỏi và đánh trống ngực. Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua hoặc quá nhẹ để bệnh nhân có thể xem là triệu chứng bệnh lý
- Suy tim cấp độ 3: Suy tim trung bình. Vào giai đoạn này, bệnh nhân bị hạn chế khá rõ rệt trong khi vận động, sinh hoạt hàng ngày. Khi nghỉ ngơi, các triệu chứng thuyên giảm, nhưng khi vận động gắng sức thì bị khó thở dữ dội, thở hổn hển, mệt mỏi, đánh trống ngực. Bệnh nhân lúc này bắt đầu cảm thấy lo lắng và đến bệnh viện để thăm khám. Chính vì thế, việc điều trị thường bắt đầu vào giai đoạn 3 của suy tim
- Suy tim cấp độ 4: Suy tim nặng. Bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, gần như không thể thực hiện trọn vẹn bất kỳ vận động thể lực nào, sinh hoạt hàng ngày trở nên rất khó khăn và chỉ có thể thực hiện được các việc nhẹ, tình trạng khó thở xuất hiện cả trong lúc nghỉ ngơi. Bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên hơn.
Chuẩn đoán và điều trị bệnh
Chuẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh tim mạch dựa trên tiểu sử bệnh của gia đình; các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tiểu đường, béo phì, căng thẳng…; xét nghiệm thể chất, xét nghiệm máu, chụp X-quang.
Ngoài ra, một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tim mạch gồm có:
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI).
- Điện tâm đồ (ECG).
- Máy theo dõi Holter.
- Siêu âm tim – Doppler tim.
- Đặt ống thông tim.
- Chụp cắt lớp vi tính tim (CT scan).
Điều trị
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp thường được sử dụng, ví dụ:
Sử dụng thuốc kháng sinh đối với các trường hợp nhiễm trùng tim, các loại thuốc kiểm soát bệnh tim phụ thuộc vào loại bệnh tim mà bệnh nhân mắc phải.
Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt: kết hợp với một số loại thuốc điều trị thì người bệnh cần tuân thủ lối sống, chế độ ăn uống ít chất béo và natri, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, tránh xa thuốc lá và rượu bia.
Kỹ thuật y tế, phẫu thuật tim: Khi thuốc không điều trị bệnh hiệu quả, bác sĩ sẽ có chỉ định cho bệnh nhân làm các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật tim. Tùy tình trạng bệnh mà có các loại phẫu thuật phù hợp.
Tết Nguyên Đán là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam.
Bệnh nhân bị tim mạch nên ăn gì vào dịp Tết để vừa ngon miệng lại vừa sức khỏe: TÌM HIỂU NGAY
Các cách phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả
Theo dõi và kiểm soát hàm lượng cholesterol trong máu
Khi hàm lượng cholesterol trong máu tăng lên quá cao, bám vào thành động mạch, lâu ngày làm cho lòng động mạch hẹp lại, gây tắc nghẽn động mạch, ngăn máu đến nuôi tim, các bộ phận khác, gây nên bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và các biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, cần phải theo dõi và kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chế biến sạch sẽ, ăn ít chất béo và chất ngọt, nên ăn cá, thịt nạc, các loại rau củ quả… và các loại dầu thực vật tốt cho tim.
Theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp
Cần theo dõi và kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, không để huyết áp tăng cao.
Nếu bị bệnh cao huyết áp cần có biện pháp chữa trị tốt.
Không hút thuốc lá
Những chất độc hại trong thuốc lá dễ làm tổn thương các mạch máu và tim, gây xơ vữa động mạch. Chất nicotin trong thuốc lá làm cho tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, làm cho các chất mỡ tích tụ lại và đóng thành cục, gây tắc nghẽn mạch. Vì vậy, không nên hút thuốc lá để tim mạch luôn khỏe mạnh.
Phòng bệnh béo phì, giữ cân nặng đạt chuẩn
Những người bị bệnh béo phì dễ mắc bệnh tim vì tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối tế bào to lớn của cơ thể. Lâu dần, tim sẽ suy yếu. Vì vậy, để phòng bệnh tim cần thực hiện chế độ ăn uống và luyện tập giúp giữ cân nặng đạt chuẩn, tránh bệnh béo phì.
Luyện tập thể dục thể thao điều độ
Luyện tập thể dục thể thao điều độ giúp điều hòa huyết áp, tim mạch, giúp tim co bóp tốt hơn. Nên chọn những môn thể dục phù hợp với sức khỏe của mỗi người và luyện tập đều đặn mỗi ngày.
Tăng cường giấc ngủ, giảm căng thẳng
Thiếu ngủ có thể gây nên các bệnh về tim mạch, bao gồm huyết áp cao, đột quỵ, tiểu đường và suy tim. Do đó nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Căng thẳng là nguyên nhân chính của nhồi máu cơ tim và một số bệnh tim mạch khác. Việc duy trì cơ thể trong trạng thái thoải mái nhất là biện pháp quan trọng để phòng chống các bệnh tim mạch.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp, hàm lượng cholesterol trong máu, hàm lượng đường trong máu, phòng và điều trị các bệnh có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch là biện pháp hữu hiệu để phòng chống các bệnh tim mạch.
Người bệnh tim mạch nên ăn gì?
Người bệnh tim mạch nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng và bệnh tim mạch có mối liên quan mật thiết với nhau. Và muốn có một trái tim khỏe mạnh, người bệnh cần có một chế độ ăn uống khoa học.
Nguyên tắc dinh dưỡng
- Chia thời gian ăn ngày thành nhiều bữa nhỏ, giúp giảm gánh nặng cho tim và hệ tiêu hóa.
- Hạn chế dùng loại đồ ăn có nước (nước canh, nước súp,…) trong suy tim có phù, khó thở.
- Tuân thủ chế độ ăn: tăng cường rau xanh và trái cây. Giảm hấp thu protein có nguồn gốc từ động vật và giảm tinh bột.
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm:có chất béo xấu, kiêng hoàn toàn rượu, bia và thuốc lá.
- Thực hiện chế độ ăn nhạt (tổng lượng muối < 5 gam / ngày).
Nên ăn
Người mắc bệnh tim mạch cần có chế độ ăn vừa hợp lý để góp phần bảo vệ trái tim của mình. Trong khẩu phần ăn của bệnh nhân tim mạch nên bổ sung những loại thực phẩm sau đây:
- Ngũ cốc nguyên cám và chất xơ.
- Các loại rau củ chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất vi lượng.
- Uống đủ nước.
- Đậu nành.
- Chuối, cam, quýt, dưa đỏ.
- Cá.
- Các loại nấm.
- Trà xanh.
- Cần kiểm soát chất béo, hàm lượng calo và cholesterol trong mỗi bữa ăn.
Không nên ăn
Bên cạnh những loại thực phẩm tốt cho tim mạch thì người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm:
- Các loại thực phẩm giàu natri.
- Thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp, thức ăn nhanh.
- Thức uống có ga, chứa chất kích thích.
Chế độ ăn uống hợp lý để ngăn ngừa bệnh tim mạch : TẠI ĐÂY
Thể dục thể thao cho người bệnh tim mạch
Rèn luyện thể lực không chỉ cần thiết cho các khối cơ, xương khớp. Mà còn tác động đến các bộ phận trên cơ thể, trong đó có trái tim. Đặc biệt, với người bệnh tim mạch thì hoạt động thể dục thể thao lại càng cấp thiết. Tuy nhiên có một lưu ý sau:
- Trao đổi với Bác sĩ chuyên ngành: Để được hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng người bệnh.
- Khởi động toàn thân: Ít nhất là 15 phút. Để cơ xương khớp, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp thích nghi với nhịp độ vận động.
- Lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng.
- Tránh tập luyện quá sức.
- Với những người thể trạng yếu có thể tập luyện vài phút thì tạm nghỉ. Sau đó lặp lại như thế trong tổng thời gian 30 – 40 phút cho một lần luyện tập.
- Duy trì đều đặn.
Gợi ý các môn thể thao phù hợp với người bệnh tim:
- Đi bộ.
- Chạy chậm.
- Bơi.
- Bóng bàn, cầu lông.
- Dưỡng sinh, yoga.
Bệnh tim mạch là một bệnh lý nguy hiểm, với những biến chứng phức tạp. Cần phải chủ động phòng ngừa lẫn điều trị. Vì vậy, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhằm phát hiện sớm bệnh để chữa trị kịp thời, và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.